Thiền Nguyệt khảy móng tay

Thiền Nguyệt là một Thiền tăng thi sĩ, viết một bài thơ trong đó có hai câu như sau:

“Khi Thiền tăng gặp nhau liền khảy móng tay.

Fugai: Chớ có xem đại khái nhé.

Nhưng ít ai biết như vậy có nghĩa gì.”

Fugai: Ông biết chăng, nó là kiếm cắt lưỡi người ta.

Đại Huệ nghe bài thơ này, gặp Thiền Nguyệt và hỏi, “Nghĩa là gì?”

Fugai: Khi thấy thỏ xuất hiện thì ó liền rượt theo.

Thiền Nguyệt không đáp.

Fugai: Chẳng phải tôi đã nói trước rồi sao, ông ta không biết
mà.

Như Huyễn: Thiền Nguyệt làm nhiều thơ hay chứng tỏ sự đạt ngộ của ông ta, nhưng mấy câu thơ này dường như bị lấy ra khỏi văn mạch. Đại Huệ đến với nhà thơ ở bên kia câu thơ và Thiền Nguyệt đã ngập ngừng. Giống như người chủ biên tập của một tờ báo vàng hay phỉ báng chỉ vì lợi ích riêng của họ, Genro và Fugai đã lấy câu chuyện này làm công án với cái giá bằng thanh danh của Thiền Nguyệt.

Genro: Nếu tôi là Thiền Nguyệt, tôi liền khảy móng tay với Đại Huệ.

Fugai: Đến đây vẫn tốt, nhưng thay vì vậy, không ai hiểu
được.

Genro:  

Một cái khảy móng tay chẳng dễ phê bình,
[Fugai: Cắt ngón tay đi.]

Khi chưa qua hết 110 thành trì, chớ khảy.
[Ông muốn đợi đến khi gặp Di Lặc ư?]

Tôi phải hỏi bà lão già cụm rụm bán giày,
[Bà ta không hiểu được cảm giác của bàn chân người khác.]

Sao không đi chân trần đến kinh đô, hã cụ?
[Lưng mình khó rửa].

Như Huyễn: Trong kinh Hoa Nghiêm chép rằng Thiện Tài Đồng Tử đi qua tất cả 110 thành trì tìm thầy học đạo. Đồng Tử gặp và lễ bái nhiều người, cuối cùng đến cổng của Di Lặc, Đồng Tử khảy móng tay một cái, cổng liền mở, và ở đó Đồng Tử đã gặp Phổ Hiền, người đã chấm dứt cuộc hành hương cầu đạo. Tục ngữ Trung hoa có câu, “Bà lão già lụm cụm lúc nào cũng nói dép rơm mình bán êm chân.” Fugai lanh lẹ nhắc đến chuyện lưng mình khó rửa, nhưng sư sẽ nói thế nào đối với phương thức tôi mượn của Woolworth* vì mục đích này?